Long An là một trong những tỉnh miền Tây có nguồn tài nguyên phong phú về ruộng đồng. Do đó, nơi đây có nhiều đặc sản dân dã mang nét đặc trưng của vùng miền. Hôm nay, các bạn hãy cùng Rauplus tìm hiểu xem vùng đất này có những đặc sản gì nhé!
Hạt gạo trắng ngần, thon dài. Hương vị ngọt thanh, cơm mềm dẻo. Đây là loại gạo đặc sản của Long An mà không có bất cứ tỉnh thành nào có thể trồng ra được chất lượng như vậy. Gạo Nàng Thơm chợ Đào là món quà thích hợp để mua về biếu tặng người thân, bạn bè khi đến tham quan Long An.
Là một loại rượu đế được chưng cất theo phương pháp cổ truyền của người Long An, sản xuất tại địa danh Gò Đen. Thương hiệu này hình thành bởi tiêu chí thổ nhưỡng. Nơi mà chỉ có vùng đất này mới có thể nấu được hương vị như vậy. Mang hương vị tự nhiên thơm lừng, ngọt hậu, không gắt cổ. Rượu Gò Đen xứng đáng để trở thành đặc sản có một không hai, làm món quà biếu trang trọng, ý nghĩa.
Bánh Tét Long An không phải là món ăn quá độc đáo, nhưng khi đến đây bạn nên thử 1 lần hoặc mua về làm quà biếu. Bánh Tét ở đây được lòng khách du lịch vì có lớp nếp trộn đậu dẻo thơm. Lớp nhân mặn hay ngọt đều và đầy đặn. Gói trong lớp lá chuối xanh thơm mùi hương tự nhiên. Mang đậm hương vị truyền thống miền Tây nhưng giá cả lại không quá cao.
Loại dưa hấu đặc sản nức tiếng tại Việt Nam. Dưa có lớp vỏ mỏng, ruột đỏ, vị ngọt thanh mát, hạt nhỏ, mọng nước. Thịt quả giòn, chắc không bị xốp như những loại dưa khác. Tại thành phố thì dưa hấu Long Trì sẽ được bày bán với giá khá cao, nhiều lúc sẽ bị giả thương hiệu. Do đó, bạn nên tranh thủ mua ngay khi tham quan Long An để mang về thì giá cả sẽ rẻ hơn.
Bánh tráng sa tế tại Long An mang thương hiệu đặc trưng của vùng miền. Khác với các loại bánh tráng phơi sương mềm dẻo ở Tây Ninh, bánh tráng sa tế Long An được trộn sẵn. Sợi bánh khô nhưng không cứng, thấm đẫm hương vị sa tế, hành phi thơm ngon. Có thể ăn hoài mà không ngán.
Mắm còng là đặc sản dân dã, bình dị cùa vùng Cần Giuộc, Long An. Có thể bạn sẽ không quen cái mùi ngai ngái khi mới lần đầu ăn mắm còng, nhưng quen rồi sẽ dần bị ghiền. Có 2 loại là mắm còng nguyên con và mắm còng chà (đã giả nhuyễn). Hương vị tương tự nhưng nhẹ hơn mắm ba khía, mang vị ngon đặc trưng.
Mỗi vùng miền đều có cách làm lạp xưởng riêng, do đó mùi vị cũng mang nét đặc trưng của từng vùng miền. Lạp xưởng tươi Long An có mùi vị chua ngọt, cay cay hấp dẫn khẩu vị của nhiều thực khách. Nhân thịt, mỡ hài hòa được lựa chọn kỹ càng cùng với quy trình chế biến kỳ công đã góp phần tạo nên thương hiệu cho món lạp xưởng này.
Vùng đất Châu Thành canh tác thanh long không kém gì những vùng chuyên trồng như Bình Thuận… Thanh long thu hoạch được căng mọng, thịt dày, hạt nhỏ, vỏ mỏng. Có 2 loại là thanh long ruột đỏ và thanh long ruột trắng với độ ngon khác nhau, giúp cho khách du lịch có thêm nhiều sự lựa chọn. Góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho tỉnh Long An.
Vùng đất Đức Hòa trồng đậu phộng chất lượng, thơm ngon, cho năng suất cao. Hạt đậu to, mẩy, ít bị lép. Lớp vỏ lụa phủ bên ngoài mảnh nhưng dai. Hạt béo bùi nhưng không ngán. Có thể chế biến đậu thành nhiều món ăn ngon như rang muối, nấu xôi, làm sốt, kẹo lạc… Vì có thể bảo quản được lâu, nên khác du lịch được dịp ghé thăm huyện Đức Hòa có thể mua về làm quà tặng.
Hy vọng bài viết trên sẽ cung cấp những đề xuất hữu ích, giúp các bạn đang phân vân không biết mua quà gì mang về thành phố khi có dịp ghé thăm Long An. Ngoài ra, bạn còn có thể tìm mua nhiều loại đặc sản, quà lưu niệm thú vị khác tại tỉnh miền Tây này nữa đấy.